Khai mạc các hoạt động kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước và ngày Quốc tế Lao động 1-5
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã đi đến thắng lợi hoàn toàn vào ngày 30/4/1975. Đất nước Việt Nam thống nhất, Nam Bắc sum họp một nhà. Kể từ đó ngày 30/4 hàng năm mang một ý nghĩa to lớn là ngày giải phóng dân tộc, ngày thống nhất đất nước; vào ngày này nhân dân cả nước hân hoan tổ chức lễ mừng chiến thắng lịch sử của dân tộc trên mọi miền của Tổ quốc.
Nhân dịp kỷ niệm chào mừng 43 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/42018) và ngày Quốc tế Lao động 1/5. Sáng ngày 24/4/2018 Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã tổ chức Lễ khai mạc các hoạt động trưng bày, triển lãm phục vụ nhân dân và khách tham quan, bao gồm hai triển lãm với chủ đề “Ngày Thống nhất đất nước” và “Thi Đình thời Lê tại Hoàng thành Thăng Long – đỉnh cao khoa cử Nho học Việt Nam”, nhằm ôn lại truyền thống lịch sử đầy tự hào của dân tộc Việt Nam và tôn vinh các giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc.
Các đại biểu tham quan triển lãm Ngày thống nhất đất nước.
Triển lãm “Ngày Thống nhất đất nước” diễn ra tại di tích Nhà và Hầm D67, một trong những di tích cách mạng quan trọng của thời đại Hồ Chí Minh ở thế kỷ XX. Đây là Tổng hành dinh, nơi Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đưa ra những quyết định lịch sử và nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng chỉ đạo tổ chức thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Thông qua 150 hình ảnh, tài liệu, hiện vật, triển lãm giới thiệu 02 chủ đề chính: Tổng Hành dinh cho ngày toàn thắng và Ngày thống nhất đất nước, tái hiện lại không khí tại Sài Gòn và thủ đô Hà Nội vào thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975.
Tại triển lãm, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Công ty TNHH MTV Tem bưu chính giới thiệu 48 phơi tem bưu chính, là các bộ sưu tập tem bưu chính kỷ niệm cho ngày 30/4/1975 cũng như các tem bưu chính mang tính chất tuyên truyền cổ vũ phong trào ba đảm đang, ba sẵn sàng trong kháng chiến chống Mỹ.
Triển lãm mở cửa đón khách tham quan từ ngày 24/4/2018 đến hết ngày 30/5/2018.
Những con tem gắn bó với bao thế hệ giờ đây thật lạ lẫm với trẻ em.
Trưng bày chuyên đề “Thi Đình thời Lê tại Hoàng thành Thăng Long – đỉnh cao khoa cử Nho học Việt Nam” giới nhiệu một số nội dung và hình ảnh tiêu biểu về nghi thức Thi Đình, thang bậc cao nhất trong hệ thống thi cử Nho giáo xưa kia, mà sử sách ghi chép rõ được diễn ra trong Cấm thành Thăng Long.
Hệ thống khoa cử nho học Việt Nam nói chung và dưới thời Lê nói riêng bao gồm ba cấp độ: thi Hương, thi Hội và thi Đình. Thi Đình (Đình thí) hay thi Điện (Điện thí) là kỳ thi cao nhất trong hệ thống khoa cử Nho học Việt Nam để chọn ra những người hiền tài bổ nhiệm các chức quan trong triều.
Thi Đình từng diễn ra tại điện Kính Thiên (Hoàng thành Thăng Long).
Những người vượt qua kỳ thi Hương tại các địa phương (trấn/ xứ) mới được vào dự kỳ thi Hội. Sau khi đỗ Trúng cách kỳ thi Hội tại kinh đô mới được vào dự kỳ thi Đình.
Bởi vậy kỳ thi Đình được tổ chức tại sân rồng điện Kính Thiên do vua trực tiếp ra đề. Ngày thi, các quan bố trí không gian thi và thực hiện đầy đủ nghi thức của triều đình rồi thí sinh mới được vào làm bài thi. Bài thi là bài văn sách trả lời các câu hỏi, vấn đề do vua đặt ra.
Thi Đình do vua trực tiếp lấy đỗ. Người đỗ kỳ thi Đình được phân thành 3 cấp bậc: Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ còn gọi là “Tam khôi” (bao gồm: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa); Đệ nhị giáp tiến sĩ cập đệ (Hoàng giáp) và Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.
Sau kỳ thi Đình, những người đỗ được vua ban cho nhiều nghi lễ long trọng tại Cấm thành Thăng Long như: làm lễ xướng danh và yết bảng; lễ ban mũ, áo, đai tiến sĩ; lễ ban yến; lễ lạy tạ vinh quy và khắc bia tiến sĩ trong Quốc Tử Giám để lưu truyền muôn đời. Những ân điển này không chỉ là hình thức vinh danh những bậc hiền tài của đất nước mà còn khuyến khích mọi người rèn đức, luyện tài vượt qua không chỉ các kỳ thi mà còn để thực sự trở thành nguyên khí của Quốc gia.
Khách tham quan tại triển lãm giới thiệu nghi thức Thi Đình.
Trưng bày giúp công chúng trong và ngoài nước hiểu thêm về hệ thống khoa cử nho học Việt Nam cũng như truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của người Việt Nam thông qua những hình dung sinh động về kỳ thi Đình thời Lê từng diễn ra tại sân rồng Điện Kính Thiên – Kỳ thi cao nhất trong hệ thống khoa cử nho học Việt Nam.
Trưng bày diễn ra tại sân Rồng, điện Kính Thiên (Khu di sản Hoàng thành Thăng Long) từ ngày 24/4/2018 đến hết ngày 1/7/2018.
Trong dịp này, tại khu di sản Hoàng Thành Thăng Long cũng diễn ra nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật truyền thống phục vụ đông đảo khách tham quan, bao gồm các chương trình múa rối nước, múa rối cạn, diễn xướng dân gian và các hoạt động văn hoá thể thao truyền thống. Lịch biểu diễn cụ thể như sau:
Chương trình diễn xướng dân gian:
10hvà 16h các ngày 29/4, 30/4 và 1/5/2018.
Chương trình biểu diễn giao lưu văn hoá và thể thao truyền thống:
9h Ngày 30/4/2018.
Các em học sinh thích thú tham gia tương tác
Điểm đặc biệt là trong các triển lãm lần này đều có nhiều hoạt động tương tác dành riêng cho các em thiếu nhi như tô màu nhân vật Xì trum, tô mẫu tem, tô tranh dân gian…
Trong các ngày lễ 30/4 – 1/5, khu di sản còn bố trí nhiều khu vui chơi, tương tác và mở của Phòng khám phá “Em làm nhà khảo cổ” tại khu di tích 18 Hoàng Diệu để phục vụ các em thiếu nhi.
Nguyễn Phú Lâm
Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội