Lễ kỷ niệm 600 năm khởi nghĩa Lam Sơn và 590 năm đức vua Lê Thái Tổ đăng quang tại Hoàng thành Thăng Long
Nhân dịp kỷ niệm 600 năm cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn (1418 – 2018) và 590 năm Đức vua Lê Thái Tổ đăng quang (1428 – 2018). Từ ngày 27/5 – 29/5/2018 Trung tâm Giáo dục Truyền thống và Lịch sử Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, Khu di tích lịch sử Lam Kinh và Hội đồng Họ Lê thành phố Hà Nội tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm, tri ân tiền nhân tại thềm Rồng, Điện Kính Thiên Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Sau Lễ dâng hương trang trọng là chuyến đi “Về nguồn”, rước ảnh (tranh chân dung giả định) Đức vua Lê Thái Tổ từ di sản Hoàng thành Thăng Long về quê hương cuộc khởi nghĩa Lam Sơn cùng các hoạt động giao lưu truyền thống “Khởi nghĩa Lam Sơn – Một thiên Anh hùng ca giữ nước”.
Lễ kỷ niệm 600 năm khởi nghĩa Lam Sơn và 590 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang được tổ chức tại Thềm Rồng Điện Kính Thiên.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc, từ thuở Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh, các thế hệ người Việt Nam đã nối tiếp truyền thống dựng nước và giữ nước quật cường của cha ông, góp phần giữ vững chủ quyền, độc lập, hòa bình, thịnh trị, làm rạng danh cho dân tộc Việt Nam. Trong đó có cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh do Lê Lợi khởi xướng, chấm dứt ách đô hộ và mưu đồ đồng hóa dân tộc Việt: “Độc ác thay trúc Lam Sơn không ghi hết tội. Dơ bẩn thay nước Đông Hải không rửa sạch mùi”.
Năm 1407, nhà Minh tập trung 80 vạn quân xâm chiếm nước ta, sau khi chiếm được Đông Đô, nhà Minh đổi tên nước ta thành quận Giao Chỉ, lập nên chính quyền theo mô hình “chính quốc” và đặt quan cai trị, đổi Đông Đô thành Đông Quan.
Năm 1418, từ miền rừng núi Lam Sơn, Lê Lợi xưng là Bình Định Vương, phất cờ khởi nghĩa, truyền hịch đi khắp nơi kêu gọi nhân dân nổi dậy giết giặc cứu nước. Với tài mưu lược của người thủ lĩnh và bộ chỉ huy nghĩa quân, cùng ý chí đồng lòng, đồng sức của nhân dân, cuộc kháng chiến trường kỳ, trải qua hàng chục năm nếm mật nằm gai đã hoàn toàn thắng lợi.
Với chiến thắng Tốt Động, Chúc Động, Chi Lăng, Xương Giang oanh liệt, nghĩa quân Lam Sơn đã dồn giặc vào thế phải đầu hàng. Hội thề Đông Quan được tổ chức vào ngày 22 tháng 11 năm Đinh Mùi (ngày 10/12/1427), Vương Thông cam kết rút hết quân về nước bắt đầu từ ngày 12 tháng 12 năm Đinh Mùi (ngày 29/12/1427). Bình Định Vương tha cho 20.000 tù binh; cấp 500 chiếc thuyền cho thuỷ quân về bằng đường biển; cấp vài ngàn xe ngựa và đủ lương thực cho đoàn lính bộ về bằng đường bộ. Ngày 17 tháng Chạp, năm Đinh Mùi (ngày 03/01/1428) đội bộ binh cuối cùng của Vương Thông lên đường về nước. Thành Đông Quan được giải phóng, chấm dứt 20 năm đô hộ của giặc Minh trên đất nước ta,
Đại việt sử ký toàn thư – kỷ nhà Lê có ghi lại “ mùa hạ tháng Tư, vua từ điện Tranh ở Bồ Đề vào đóng ở thành Đông Kinh. Ngày rằm vua lên ngôi ở Đông Kinh, đại xá, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, dựng quốc hiệu Đại Việt, đóng đô ở Đông Kinh” (Đông Kinh tức là thành Thăng Long, vì Thanh Hoá có Tây Đô cho nên gọi thành Thăng Long là Đông Kinh).
Kính cẩn dâng lên đức Lê Thái Tổ những áng chúc văn tri ân công đức tiền nhân.
Chiến thắng quân xâm lược, Đức vua Lê Thái Tổ đăng quang mở ra một triều đại thịnh trị và phát triển toàn diện từ chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, giáo dục…; một triều đại được coi là thành công nhất trong xã hội phong kiến Việt Nam, đã để lại nhiều giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể có ý nghĩa to lớn, trường tồn cho đất nước và dân tộc đến ngày hôm nay.
Tham gia hoạt động tưởng niệm “Về nguồn” có hơn 300 đại biểu là đại diện Gia đình chính sách và Người có công cùng bà con Họ Lê của 16 tỉnh, thành phố trong cả nước (gồm: Thủ đô Hà Nội, TP. HCM, tỉnh Cà Mau, Đồng Nai, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hải Dương, Thái Bình, Nghệ An, Bắc Ninh. Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Giang, Thanh Hoá).
Đoàn rước khởi hành từ Hoàng Thành Thăng Long về quê hương Lam Kinh (Thanh Hóa)
Lễ kỷ niệm 600 năm cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn và 590 năm Đức vua Lê Thái Tổ đăng quang là hoạt động ý nghĩa, nêu cao đạo lý “uống nước – nhớ nguồn”, khơi dậy các giá trị nhân văn, truyền thống và góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân, tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo tại các địa phương, cơ quan, đơn vị, gia đình và dòng họ.
Ban biên tập