Triển lãm “Dấu ấn địa giới hành chính Hà Nội qua tài liệu lưu trữ”
Nhân kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2019), kỷ niệm 20 năm Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì Hòa bình”. Sở Nội vụ thành phố Hà Nội, Chi cục Văn thư – Lưu trữ phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức triển lãm chủ đề “Dấu ấn địa giới hành chính Hà Nội qua tài liệu lưu trữ”.
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.
Sáng ngày 02/10/2019, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), đã diễn ra Lễ khai mạc triển lãm: “Dấu ấn địa giới hành chính Hà Nội qua tài liệu lưu trữ”. Triển lãm nhằm tuyên truyền, giới thiệu tài liệu lưu trữ đến với công chúng, góp phần giáo dục lịch sử cho các tầng lớp nhân dân, tạo điểm nhấn sinh hoạt văn hóa, lịch sử phục vụ du khách trong nước và quốc tế tham quan Thủ đô Hà Nội.
Nội dung triển lãm gồm 3 phần:
- Phần I: Địa giới hành chính Hà Nội thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945;
- Phần II: Địa giới hành chính Hà Nội thời kỳ từ năm 1945 đến năm 1954;
- Phần III: Địa giới hành chính Hà Nội sau năm 1954 đến nay.
Mùa Thu năm Canh Tuất 1010, Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Đại La và đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long, trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc kinh thành Thăng Long là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của cả nước. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), Nhà vua tiến hành một đợt cải cách hành chính lớn nhất kể từ khi ra đời chế độ phong kiến Việt Nam lập ra tỉnh Hà Nội. Vào cuối thế kỷ XIX, dưới ách cai trị của thực dân Pháp, các thành phố ở Việt Nam cũng được chia làm ba cấp khác nhau gồm đô thị loại 1, 2 và 3. Năm 1888 Tổng thống Pháp ra sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội là đô thị cấp 1.
Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hà Nội lại trở về với vai trò là một thủ đô, Hà Nội gồm 5 khu nội thành và 120 xã ngoại thành. Ngày 21/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 77 về việc thành lập thành phố trực thuộc chính phủ trung ương, hoặc kỳ, thị xã thuộc kỳ. Theo đó Hà Nội thành thành phố trực thuộc Chính phủ Trung ương, gồm 17 khu nội thành và 5 khu hành chính ngoại thành. Khi chiến tranh Đông Dương nổ ra năm 1946 và Hà Nội nằm trong vùng kiểm soát của người Pháp, bối cảnh của Hà Nội hoàn toàn thay đổi. Để phù hợp với hoàn cảnh hiện thời, Hà Nội đã tiến hành cấu trúc lại mô hình tổ chức chính quyền kháng chiến và địa giới hành chính. Trong suốt thời kỳ Hà Nội bị thực dân Pháp chiếm đóng, để phù hợp với tình hình chiến sự, địa giới hành chính có những điều chỉnh nhất định trong đó có sự thay đổi từ năm 1946 đến 1948. Địa giới hành chính là ranh giới phân biệt đất đai và số dân của địa phương này với địa phương khác do cấp quản lý có thẩm quyền quy định.
Tham quan triển lãm.
Tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đánh dấu thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của nhân dân Việt Nam. Theo quy định của Hiệp định, ngày 10-10-1954, bộ đội Việt Nam thuộc Đại đoàn 308 tiến về Hà Nội tiếp quản Thủ đô về mặt chính quyền, Hà Nội được giải phóng. Từ sau năm 1954 đến nay, Hà Nội đã trải qua bốn lần điều chỉnh địa giới hành chính vào các năm: 1961, 1978, 1991 và 2008. Quy mô diện tích, dân số, kinh tế, xã hội của Hà Nội, Thủ đô của cả nước ngày càng lớn mạnh và phát triển.
Triển lãm “Dấu ấn địa giới hành chính Hà Nội qua tài liệu lưu trữ” và Hội Sách Hà Nội năm 2019 với chủ đề “Hà Nội – Thành phố vì hòa bình” là một trong nhiều hoạt động nhằm tôn vinh di sản và quảng bá hình ảnh di sản Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng tới đông đảo quần chúng nhân dân và bạn bè quốc tế.
Ban biên tập