Tọa đàm khoa học quốc tế: Đồ sứ Trung Quốc thời Thanh trong Hoàng cung Thăng Long, thế kỷ 17-19

Những cuộc khai quật tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội trong thời gian qua đã phát hiện được số lượng lớn đồ sứ Trung Quốc có niên đại từ thời Đường, Tống, Nguyên, Minh và Thanh. Trong đó, số lượng đồ sứ Trung Quốc thời Thanh (thế kỷ 17-19) được tìm thấy tại khu di tích với số lượng lớn và vô cùng đặc sắc. Đây là những minh chứng sinh động phản ánh về đồ sứ Trung Quốc được sử dụng trong đời sống Hoàng cung Thăng Long thời Lê Trung hưng, đồng thời khơi gợi về mối quan hệ giao lưu giữa Trung Quốc và Kinh đô Thăng Long trong lịch sử. Phát hiện quan trọng này cũng mở ra hướng nghiên cứu về mối quan hệ giữa các đồ sứ tìm thấy tại di tích Hoàng thành Thăng Long với các đồ sứ Trung Quốc sản xuất tại Trung Quốc phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Đây là vấn đề khoa học rất có ý nghĩa trong việc nghiên cứu, tìm hiểu mối quan hệ, sự giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Thăng Long – Đại Việt và Trung Quốc trong lịch sử.

Nhằm làm sáng rõ hơn mối quan hệ, sự giao lưu kinh tế giữa Thăng Long, Việt Nam và Trung Quốc trong lịch sử qua trao đổi đồ gốm sứ, ngày 27/11/2023 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Viện Nghiên cứu Kinh thành tổ chức Tọa đàm khoa học quốc tế Đồ sứ Trung Quốc thời Thanh trong Hoàng cung Thăng Long, thế kỷ 17-19.

Toàn cảnh Tọa đàm

Tham dự Tọa đàm khoa học Quốc tế có các nhà khoa học Việt Nam đến từ Viện Khảo cổ học, Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Kinh thành, Trường Đại học Khoa học và Nhân văn Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Hội Khảo cổ học Việt Nam, Cục Di sản văn hóa văn hóa (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội… và một số học giả nghiên cứu tự do. Về phía đại biểu quốc tế có các nhà khoa học đến từ Đại học Bắc Kinh, Đại học khoa học và Kỹ thuật Bắc Kinh, Viện Nghiên cứu văn hóa và khảo cổ học tỉnh Vân Nam, Đại học Quảng Châu (Trung Quốc); Hội nghiên cứu gốm cổ Trung Quốc tại Singapore (Singapore); Trường Đại học Tohoku Gakuin (Nhật Bản)…

Và nhiều nhà khoa học quốc tế từ Trung Quốc, Nhật Bản không có điều kiện tham dự trực tiếp cũng tham gia trực tuyến, trình bày tham luận và thảo luận.

Tọa đàm tập trung làm sáng tỏ 3 nội dung cơ bản:

  1. Đồ gốm sứ Trung Quốc thời Thanh phát hiện tại Hoàng cung Thăng Long và Việt Nam;
  2. Gốm sứ Trung Quốc thời Thanh và các lò sản xuất tại các tỉnh ở Trung Quốc;
  3. Giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Trung Quốc với Đại Việt thời Thanh nhìn từ trao đổi đồ gốm sứ.

Tại Hội nghị PGS.TS Tống Trung Tín và ThS. Lê Ngọc Hân trình bày tham luận “Nhóm gốm sứ thời Thanh phát hiện ở khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long”, TS. Trần Anh Dũng trình bày tham luận “Một số loại hình đồ sứ men trắng vẽ lam thời Khang Hy (1662-1723) ở địa điểm 36 Điện Biên Phủ, Trần Phú, Hà Nội”, TS. Nguyễn Đình Chiến trình bày tham luận “Đồ gốm sứ thời Thanh trong hai con tàu cổ ở vùng biển Việt Nam”, các học giả nước ngoài trình một số tham luận như: “Thảo luận về kho đồ sứ trong cung đình nhà Thanh” do TS. Xiang Kunpeng trình bày, “Về đồ gốm sứ Trung Quốc thời Thanh tìm thấy tại Nhật Bản” do TS. Yamaguchi Hiroyuki trình bày, “Lò gốm Kiến Thủy: các phát hiện khảo cổ học mới về địa điểm sản xuất đồ sứ ở Vân Nam” do nhà nghiên cứu Dai Zongpin trình bày…

Trong phần cuối buổi tọa đàm, các nhà khoa học dành thời gian trao đổi chuyên môn thông qua các hiện vật sứ thời Thanh phát hiện trong các cuộc khai quật khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long.

Các nhà khoa học trao đổi chuyên môn thông qua các hiện vật sứ thời Thanh phát hiện trong các cuộc khai quật khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long

Hoàng thành Thăng Long cũng là nơi tìm thấy nhiều đồ gốm sứ Việt Nam thời Lê Trung hưng. Đáng lưu ý là đồ sứ Việt Nam thời Lê Trung hưng và Trung Quốc thời Thanh có trình độ công nghệ ngang nhau và có nhiều nét tương đồng khó phân định. PGS.TS Bùi Minh Trí nhận định “Thông qua sưu tập đồ gốm Thanh phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long đã góp phần làm sáng rõ hơn mối quan hệ, sự giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Đại Việt và Trung Quốc trong lịch sử”. Tọa đàm khoa học Quốc tế Đồ sứ Trung Quốc thời Thanh trong Hoàng cung Thăng Long, thế kỷ 17-19 là cơ sở khoa học tin cậy cho việc làm rõ giá trị cơ bản của những phát hiện khảo cổ học, góp phần thiết thực cho công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị khu di sản cũng như đặt nền móng cho chiến lược quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị của khu di sản Hoàng thành Thăng Long trong tương lai.

Bùi Thị Thu Phương

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button