Hồi ức xúc động về thời khắc lịch sử 30/4/1975

Trong dòng người đến thăm khu di sản Hoàng thành Thăng Long dịp lễ 30/4, 1/5 năm nay có nhiều khách tham quan là cựu chiến binh, học sinh, sinh viên và rất nhiều bà con từ phương Nam ra thăm Thủ đô Hà Nội.

Dừng chân tại di tích cách mạng Nhà và Hầm D67, nơi lưu giữ những ký ức lịch sử hào hùng của hai mươi năm kháng chiến chống Mỹ, nhiều khách tham quan không khỏi ngạc nhiên và bất ngờ trước những hiện vật đơn sơ giản dị nơi đây. “Ngôi nhà mái bằng ẩn mình dưới những tán cây ngọc lan”, như trong hồi ký của vị đại tướng lừng danh đã nhắc đến, chính là nơi “lập kế bày mưu”, đấu trí với kẻ thù để đưa nhân dân ta đi đến thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

46 năm đã đi qua với bao đổi thay phát triển của đất nước, nhưng Nhà D67 vẫn như còn nguyên vẹn cảm xúc và niềm vui chiến thắng hôm nào. Ngày 30/4/1975, Tổng hành dinh tràn ngập niềm vui chiến thắng. Bộ Chính trị và Quân ủy trung ương tập trung theo dõi cuộc tiến công và nổi dậy từng giờ từng phút, để rồi vỡ òa niềm vui khi Sài Gòn được giải phóng.

Đông đảo cán bộ và nhân dân Thủ đô tập trung tại cơ quan Thông tấn xã Việt Nam đón nghe tin chiến thắng Sài Gòn giải phóng, ngày 30/4/1975 (ảnh tư liệu).

Những thời khắc lịch sử ấy, hôm nay lại được khơi dậy rất chân thực và xúc động qua hồi ức của những nhân chứng lịch sử, những người trong cuộc, những người từng chứng kiến và có lẽ không bao giờ quên được, như có người đã từng thốt lên “ thật là một ngày đặc biệt trong một đời người khó quên”.

Triển lãm “Đất nước trọn niềm vui” đã đưa chúng ta nhớ về một thời đạn bom gian khổ, hy sinh mất mát, để càng trân quý hơn cuộc sống hòa bình, độc lập hôm nay. Cảm nhận được không khí náo nức, rực rỡ cờ hoa của Hà Nội, Sài Gòn và cả nước khi nghe tin chiến thắng trên sóng phát thanh Đài tiếng nói Việt Nam: “Mời các bạn nghe tin chiến thắng chúng ta mới nhận được. Đúng 11 giờ 30 phút, quân ta tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc lập, Bộ Tổng tham mưu Ngụy, Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng”.

Những dòng tin rất ngắn ngủi kia lại là mong đợi của mấy chục năm dài, chất chứa, hy vọng, sung sướng, vỡ òa, “ vui sao nước mắt lại trào”. Nghệ sĩ Kim Cúc, người đọc bản tin chiến thắng trưa ngày 30/4/1975 trên Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn nhớ như in khoảnh khắc được đọc bản tin đó: “Lúc ấy khoảng 11 giờ 45 phút ngày 30/4/1975 khi anh Trủy chạy vào và đưa chúng tôi một bản tin với giọng nghẹn ngào “chiến thắng, chiến thắng rồi!”. Hôm ấy tôi và chị Túy (Phát thanh viên Kim Túy) cùng trực một ca. Bản tin với 45 từ và 30 giây mỗi lượt, nhưng thông tin rất đầy đủ và súc tích đã đủ khiến một dân tộc vỡ òa trong niềm vui, hạnh phúc vô bờ. Sau khi đọc bản tin chiến thắng 30/4, khi bước ra cổng cơ quan, tôi thấy nhiều người dân Thủ đô đổ ra đường hò reo: “Chiến thắng rồi, nước nhà thống nhất rồi”. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, Tôi và chị Túy cũng theo mọi người đi về phía khu vực hồ Hoàn Kiếm để mừng chiến thắng. Đường phố Hà Nội lúc đó đông vui, trên gương mặt mỗi người dân đều tỏ rõ sự hân hoan, vui sướng. Trong bầu không khí ấy, tôi và chị Túy lại xúc động nắm chặt tay nhau, như cách đây không lâu đã nắm tay để đọc bản tin chiến thắng. Chị Túy rưng rưng nói: “Cúc ơi, nước nhà thống nhất rồi, vậy là chị sắp được về với má”.

Nghệ sỹ nhân dân Như Quỳnh cũng nhớ mãi không khí của Hà Nội trong ngày chiến thắng: “Cả thành phố hầu như không ngủ, Hà Nội được nhuộm bởi sắc đỏ của cờ Tổ quốc. Không chỉ ở cửa các ngôi nhà trong phố mà trên các ban công, trong ngõ hẻm nhỏ người dân cũng cắm cờ rồi treo cả đèn lồng thắp sáng khắp nơi. Chúng tôi đi quanh hồ Gươm hô to những khẩu hiệu chào mừng ngày chiến thắng. Người dân cũng đi cùng chúng tôi rồi cũng hô những khẩu hiệu đến khản cả họng như muốn hoà vào niềm vui chung của đất nước”.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên, người sáng tác ca khúc “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” chia sẻ về ca khúc đặc biệt này: “ Tối 28/4 Đài đưa tin một máy bay của ta lấy được của địch ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, đêm hôm ấy ở khu tập thể, tôi nghe mà mừng quá, tự nhiên tôi có cái cảm giác ngày giải phóng đến rồi. Cái buồng của nhà tôi rất chật, đêm hôm ấy tôi đứng ở cầu thang ghi lại cảm xúc của mình, đợi sáng hôm sau báo lại cho anh em ở đài. 29/4 đưa lên anh em bảo rất hay nhưng hơi lạc quan quá vì lúc đó chưa giải phóng. Trưa ngày 30/4 ông Tổng giám đốc gọi điện bảo tôi lên gặp. Ông hỏi anh em đã có bài nào cho ngày giải phóng chưa? Tôi nói mới chỉ viết mấy câu thôi. Tôi đứng ở cầu thang hát cho ông ấy nghe. Tôi hát xong thì ông ấy bảo thôi không cần gì hơn chỉ cần bài hát ngắn này thôi. Chiều nay tập hợp đoàn ca nhạc của đài tiếng nói Việt Nam lên thu thanh để tối nay đưa tin toàn thắng lên toàn thế giới”.

Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng nhớ rõ: “Sáng ngày 30 khi chúng tôi tấn công vào giải phóng Lái Thiêu thì đồng bào đã giăng cờ hoa ra rồi, không hiểu lấy cờ giải phóng ở đâu mà tất cả đều có và treo trước nhà. Đặc biệt, tôi còn nhớ là khi vào giải phóng trong nội thành Sài Gòn. Lực lượng của chúng ta tấn công vào Bộ Tổng Tham mưu; dân thì ở xa, xung quanh chỉ có ít dân thôi. Lúc chúng ta chiếm được rồi, thì họ reo, hò hét, tung nhau lên, cả trẻ con, người lớn, tầng tầng lớp lớp tràn ra các mặt phố, cờ tung bay và cả Sài Gòn bừng lên khí thế của cách mạng, rợp cờ hoa, hô vang. Ở đâu cũng hát các bài hát truyền thống, quân giải phóng cũng hát, nhân dân đồng bào cũng hát”.

Ở Sài Gòn, người lính Nguyễn Công Định (đại tá sư đoàn 320B tiến công Bộ Tổng Tham mưu năm 1975) biên thư về cho vợ với niềm vui khôn xiết: “Hôm nay ngồi biên thư cho em trong lúc Sài Gòn đang có cuộc mít tinh lớn để Ủy ban Quân quản ra đời sau bao năm đô hộ…Trong lúc này cả nước mừng vui nhiều người mừng đến chảy nước mắt chắc đó cũng là tâm trạng của cả em và gia đình ta nữa”.

Bức thư Đại tá Nguyễn Công Định viết gửi vợ (Bà Nguyễn Thị Óng) kể về lễ ăn mừng chiến thắng tại Sài Gòn, ngày 15/5/1975.

Những hồi ức, những câu chuyện xúc động đó sẽ tiếp tục được kể, được lưu giữ trong dòng chảy lịch sử dân tộc, không bao nhờ phai nhòa.
Triển lãm mở cửa đến hết tháng 5/2021.

Triển lãm đồng thời giới thiệu phiên bản trực tuyến trên website: trungbayonline.hoangthanhthanglong.com.

Kim Yến

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button