Dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Di tích Nhà và Hầm D67

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1954 – 1975), khu vực Thành cổ Hà Nội đã trở thành Tổng Hành dinh của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đây là nơi làm việc của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tham mưu (Khu A Bộ Quốc phòng); nơi diễn ra nhiều cuộc họp cơ mật của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cương vị Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã làm việc tại đây. Trước năm 1968, phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt tại tầng 2 của Nhà Con Rồng; Từ năm 1968 – 1980, Đại tướng làm việc tại Nhà D67.

Ảnh tư liệu: Quân ủy Trung ương họp ngày 31/3/1975 quyết định: Tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975. Phương châm là “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.

Tại Tổng Hành dinh, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo chuẩn bị nội dung, phê duyệt và thông qua nhiều quyết sách quan trọng cho chiến trường miền Nam và chiến trường các nước Đông Dương.

Năm 1959, trước những sự can thiệp chính trị và quân sự, đi ngược lại với Hiệp định Giơnevơ, của Mỹ tại miền Nam, đặc biệt là chính sách tố cộng, diệt cộng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã gây ra những tổn thất nặng nề cho cách mạng miền Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh, với vai trò là Bí thư Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định cho thành lập tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn trên bộ (Đoàn 559) và tuyến vận tải trên biển (Đoàn 759) chi viện cho miền Nam.

Năm 1972, thực hiện ý đồ đàm phán trên thế mạnh, buộc phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải chấp nhận các điều kiện của Mỹ, chính quyền Nixon quyết định tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược, sử dụng pháo đài bay B-52 đánh phá hủy diệt Hà Nội và các tỉnh thành phố khác từ ngày 18 – 29/12/1972.

Trong 12 ngày đêm ác liệt đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Đại tướng Văn Tiến Dũng luôn thường trực tại cơ quan Tổng Hành dinh, theo dõi sát diễn biến chiến dịch và kịp thời chỉ đạo lực lượng Phòng không – Không quân Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đập tan âm mưu sử dụng con bài không quân chiến lược B52 của Mỹ. Trong Hồi ký của mình Đại tướng có viết “Đêm 26 tháng 12 (1972), địch huy động hàng trăm lần chiếc máy bay B52 đánh phá dã man các khu dân cư ở nội thành Hà Nội. Đã có lúc, căn hầm chỉ huy kiên cố của Tổng hành dinh rung chuyển như động đất”. (Tổng tập Hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp)

Đặc biệt, từ cuối năm 1974, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Chính trị đã nắm bắt xu hướng thay đổi của tình hình chiến trường miền Nam, kịp thời đưa ra những chỉ đạo chiến lược, then chốt.

Tại Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng, 18/12/1974 – 8/1/1975, trước những thay đổi mới trên chiến trường miền Nam, đặc biệt là sự kiện tỉnh Phước Long, tỉnh đầu tiên của miền Nam đã được giải phóng, Bộ Chính trị đã thống nhất đi đến quyết định thông qua Kế hoạch chiến lược 2 năm 1975, 1976; nhấn mạnh cả năm 1975 là thời cơ và nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ huy cuộc tiến công chiến lược Xuân 1975, Theo quyết định của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Đại tướng Văn Tiến Dũng – Tổng Tham mưu trưởng bí mật được cử vào mặt trận Tây Nguyên, tổ chức thành một bộ phận đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh ở chiến trường miền Nam.

“Ai chiếm được Tây Nguyên sẽ làm chủ Việt Nam và Đông Dương” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp)

Khi chiến dịch Tây Nguyên đang trên đà thắng lợi, tại Tổng Hành dinh (Nhà D67), Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương gấp rút tổ chức hội nghị ngày 18/3/1975. Hội nghị đã quyết định “Chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc tổng tiến công chiến lược; Giải phóng miền Nam trong năm 1975, không chờ đến năm 1976”.

Cùng thời điểm này, Bộ Chính trị đã quyết định mở mặt trận Quảng – Đà. Trung tướng Lê Trọng Tấn được Quân ủy Trung ương cử làm Tư lệnh mặt trận Quảng Đà, trực tiếp chỉ giải phóng Đà Nẵng.

Trước những diễn biến nhanh, mạnh trên khắp các mặt trận, ngày 31/3/1975 Quân ủy Trung ương họp quyết định: Tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975. Phương châm là “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.

Ngày 2/4/1975), tại Tổng Hành dinh, sau khi nghe báo cáo về trận Đà Nẵng, Đại tướng đã trực tiếp chỉ thị cho Trung tướng Lê Trọng Tấn: “Ngoài nhiệm vụ truyền đạt mệnh lệnh của Quân khu 5 và Bộ Tự lệnh Hải quân, tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa”.

Ngày 7/4/1975, vào những giờ phút sôi động, khẩn trương nhất cho trận đánh lịch sử, chính tại đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra bức mật lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam; quyết chiến và toàn thắng…”.

Tại Tổng Hành dinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương theo dõi, nắm bắt từng bước diễn biến rất nhanh của các mặt trận, luôn kịp thời đưa ra những chỉ đạo phù hợp cho các hướng tấn công. “Những ngày này, tôi ở luôn tại Tổng Hành dinh, không về nhà riêng, dù hai nơi chỉ cách nhau vài trăm mét. Trong phòng làm việc, các đồng chí công vụ đã kê thêm một chiếc giường con. Ngoài các tấm bản đồ treo trên tường, tôi đặt thêm một tấm bản đồ quân sự miền Nam ngay dưới tấm kính rộng trên mặt bàn để theo dõi, suy nghĩ”. (Tổng tập hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp)

Những sự chỉ đạo linh hoạt, kịp thời đó của Bộ Chính trị và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã huy động tổng lực sức người, sức của của toàn dân tộc làm nên sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh cùng cán bộ chủ chốt trước Nhà D67, ngày 30/4/1975.

Sở chỉ huy Nhà D67 đã gắn bó với vị Đại tướng của chúng ta trong những ngày tháng cam go và oanh liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây đã chứng kiến giây phút đấu trí quyết liệt của Bộ thống soái tối cao, Quân ủy trung ương và Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) để đưa ra những quyết sách chiến lược quan trọng, hạ quyết tâm giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Căn phòng làm việc của Đại tướng tại Nhà D67 thật đơn sơ, giản dị, có những lúc Đại tướng làm việc tại đây cả ngày và đêm, dành trọn tâm sức, trí tuệ cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Nơi đây cũng chứng kiến những giây phút hào hùng của Tổng hành dinh trong ngày vui đại thắng. Sau này, trong hồi ký Tổng Hành dinh trong mùa xuân toàn thắng, Đại tướng đã viết: “ Ngôi nhà mái bằng ẩn kín dưới những tán lá cây dày đặc với những căn hầm làm việc kiên cố, nơi đã từng diễn ra nhiều cuộc họp cơ mật của Bộ Chính trị và Quân ủy trung ương, hôm nay lại chứng kiến một sự kiện lịch sử có ý nghĩa quyết định. Lần cuối cùng, ý chí và trí tuệ của Đảng được tập trung cao độ, lập kế bày mưu quyết tâm giành toàn thắng”.

Hôm nay, Nhà và Hầm Quân ủy Trung ương (D67) trở thành một di tích cách mạng quan trọng trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 – 25/8/2021), Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức triển lãm “ Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Vị tướng huyền thoại” theo hình thức trực tuyến. Triển lãm một lần nữa khắc ghi những ký ức hào hùng của dân tộc Việt Nam qua hình ảnh vị đại tướng của nhân dân, người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Thông qua triển lãm, nhân dân và du khách có thể tìm hiểu những ký ức lịch sử chân thực nhất tại Tổng hành dinh ( Khu A sở chỉ huy Bộ Quốc phòng), đặc biệt là Nhà D67, nơi có những căn phòng làm việc giản dị đã gắn bó mật thiết với cuộc đời hoạt động của đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button