Triển lãm “Hà Nội – âm vang lời thề quyết tử” nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Toàn quốc Kháng chiến

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 – 19/12/2021), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức triển lãm chuyên đề “Hà Nội – Âm vang lời thề quyết tử”. Triển lãm gồm 3 nội dung: Ngàn cân treo sợi tóc; Hà Nội – Âm vang lời thề quyết tử; Tiến về Hà Nội, nhằm ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của quân dân Thủ đô trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Triển lãm tái hiện những hình ảnh chiến đấu kiên cường của đội quân cảm tử, quyết bảo vệ từng mái nhà, góc phố của thủ đô thân yêu. 75 năm đã trôi qua, nhưng lời thề bất tử của những người con Hà Nội, những chiến sỹ của Trung đoàn Liên khu I năm xưa ( Trung đoàn thủ đô) vẫn còn âm vang mãi: “Hôm nay chúng ta làm lễ khai sinh đội quân quyết tử. Chúng ta thề sống chết bảo vệ thủ đô. Chúng ta còn, thủ đô sẽ không bao giờ mất. Xin thề! Xin thề! Xin thề!”.

 Mùa đông năm 1946-1947, Hà Nội đã trải qua 60 ngày đêm khói lửa, chiến đấu ngoan cường trong vòng vây quân thù, để làm nên một bản hùng ca bất tử, âm vang  mãi trong lòng nhiều thế hệ người dân Thủ đô hôm nay và mai sau.

Chiến sĩ ôm bom ba càng trong mặt trận Hà Nội. (Nguồn ảnh: Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam)

Ngàn cân treo sợi tóc

Với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, ngày 23/9/1945 được sự giúp đỡ của quân Anh, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai, rồi mở rộng đánh chiếm Nam Bộ và Nam Trung Bộ, tìm cách đưa quân ra Bắc Bộ, đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, Hải Dương, gây nhiều vụ xung đột, khiêu khích ở Hà Nội.

Chính quyền cách mạng non trẻ của ta phải đối phó với muôn vàn khó khăn “ thù trong giặc ngoài”. Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, cùng với việc củng cố chính quyền, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng các biện pháp đấu tranh mềm dẻo nhằm duy trì hòa bình, giữ vững độc lập dân tộc. Để tranh thủ thời gian củng cố lực lượng cách mạng, tránh phải đối phó với nhiều kẻ thù, chúng ta đã mềm mỏng, kiên quyết thực hiện sách lược “hòa để tiến”, chủ động đàm phán với Pháp để tránh chiến tranh, giữ hòa bình cho cả hai dân tộc, giữ độc lập tự do cho Tổ quốc, rồi ký Hiệp định sơ bộ ngày 06/3/1946, sau đó ký Tạm ước ngày 14/9/1946.

Chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, càng lộ rõ dã tâm và bản chất xâm lược, như tướng Đờ Gôn đã phát biểu: “Thái độ của nước Pháp ở Đông Dương rất giản đơn. Nước Pháp có ý định khôi phục lại chủ quyền ở Đông Dương”.

Vì thế, bất chấp những thiện chí hòa bình của Việt Nam, trong các ngày 15 và 16/12/1946, quân Pháp nổ súng gây hấn nhiều nơi ở Hà Nội. Ngày 17/12/1946, chúng cho xe phá các công sự của ta ở phố Lò Đúc, rồi gây ra vụ tàn sát đẫm máu ở phố Hàng Bún và phố Yên Ninh. Ngày 18/12/1946, tướng Môlie gửi cho ta hai tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính, đòi ta phải phá bỏ mọi công sự và chướng ngại trên các đường phố, đòi để cho chúng làm nhiệm vụ giữ gìn trị an ở Hà Nội. Chúng tuyên bố nếu các yêu cầu đó không được Chính phủ Việt Nam chấp nhận thì quân Pháp sẽ chuyển sang hành động chậm nhất là sáng ngày 20/12/1946.

 Tình thế đó buộc Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân ta không có lựa chọn nào hơn là cầm vũ khí đứng lên chiến đấu, phát động cuộc kháng chiến toàn quốc để bảo vệ độc lập dân tộc.

Hà Nội – Âm vang lời thề quyết tử

Đêm 19/12/1946, hưởng ứng “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Hà Nội đã cùng cả nước đứng lên, pháo đài Láng nã những loạt đạn đầu tiên, mở đầu cuộc kháng chiến trường kỳ. Trong cuộc chiến đấu không cân sức với kẻ thù, mặt trận Hà Nội đã trở thành điển hình cho đường lối chiến tranh nhân dân. Mỗi ngôi nhà, từng con phố đều trở thành trận địa, chiến hào. Mỗi người dân từ cậu bé 9 tuổi đến cụ già tóc hoa râm, từ anh nhạc sĩ đến chị nông dân, từ một trí thức tiểu tư sản đến anh công nhân áo xanh, giầy vải… Tất cả đã cùng chung vai gánh vác với đội quân anh dũng của Trung đoàn Thủ đô và các chiến sĩ tự vệ thành trong trọng trách giam chân địch, tạo điều kiện cho Trung ương Đảng, Chính phủ rút lên chiến khu an toàn. Tất cả những con người bình thường đó đã gắn bó với nhau trong cùng ý chí “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, làm nên khúc tráng ca của Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa.

Pháo đài Láng nơi nổ phát súng đầu tiên báo hiệu toàn quốc kháng chiến vào đêm 19/12/1946. (Nguồn ảnh: Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam)

Trải qua 60 ngày đêm chiến đấu kiên cường, anh dũng, sáng tạo, quân và dân Hà Nội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho cơ quan đầu não, tản cư, bảo đảm an toàn cho Nhân dân; chuyển hàng ngàn tấn máy móc, vật tư ra An toàn khu, tạo tiềm lực ban đầu cho kháng chiến. Quân và dân Thủ đô đã đánh hàng trăm trận, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch, giam chân chúng dài ngày trong thành phố, tạo điều kiện để cả nước bước vào chiến tranh, triển khai thế trận chiến đấu lâu dài.

Tiến về Hà Nội

Sau khi hoàn thành thắng lợi mục tiêu đề ra, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô được lệnh rút khỏi Hà Nội, tiếp tục công cuộc trường kỳ kháng chiến. Trong giờ phút cảm động, chào tạm biệt Thủ đô “các chiến sỹ lấy gạch non viết vội lên tường nhà: “Hà Nội thân yêu ơi, ta sẽ trở lại!”, “Hỡi quân xâm lăng, chúng bay sẽ thất bại!”. Và sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, ngày 10/10/1954, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô chiến đấu tại mặt trận Hà Nội năm xưa đã đi đầu Đại đoàn quân Tiên phong tiến về tiếp quản Thủ đô giữa rừng cờ hoa, niềm hân hoan vô bờ của người dân Thủ đô và cả nước.

Triển lãm phục vụ du khách tham quan từ ngày 16/12/2021 với phiên bản trưng bày trực tuyến tại website: http://trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button