Lễ dâng hương tưởng niệm 994 năm ngày mất đức vua Lý Thái Tổ
Sáng ngày 03/04/2022 (mùng 3/3 năm Nhâm Dần), Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 994 năm ngày mất (1028-2022) của đức vua Lý Thái Tổ tại di tích nền Điện Kính Thiên, khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long số 9 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội.
Thái Tổ Hoàng Đế, vua họ Lý, húy là Công Uẩn, sinh ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình nhà Đinh năm thứ 5 (974), người châu Cổ Pháp (nay thuộc Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh). Lên 3 tuổi Lý Công Uẩn được nhà sư Lý Khánh Văn ở chùa Cổ Pháp nhận làm con nuôi, bé đã thông minh, vẻ người tuấn tú khác thường. Lúc còn trẻ thơ đến học ở chùa Lục Tổ, nhà sư Vạn Hạnh thấy khen rằng “Đứa bé này không phải là người thường, sau này lớn lên, tất có thể giải quyết được mọi việc khó khăn, làm vua giỏi trong thiên hạ”. (Đại việt sử ký toàn thư tr 258
Sau này, thiền sư Vạn Hạnh tiến cử Lý Công Uẩn vào triều làm quan, Lý Công Uẩn càng tỏ rõ là người có tài thao lược, được vua Lê Đại Hành rất tin dùng. Sau khi vua Lê Đại Hành băng hà, ngôi báu được truyền cho hoàng tử thứ 3 là Lê Long Việt, tức vua Lê Trung Tông. Sau khi lên ngôi được 3 ngày, Lê Trung Tông bị chính em ruột của mình là Lê Long Đĩnh sát hại, tiếm ngôi vua, sử gọi là Ngọa Triều. Khi ấy, quần thần ai cũng kinh sợ lánh xa, duy có Lý Công Uẩn ôm xác vua Trung Tông mà khóc. Ngọa Triều khen là người trung nghĩa bèn phong cho làm Tứ sương quân, phó chỉ huy sứ (tứ sương là bốn mặt thành. Tứ sương quân gọi chung là quân đội, vì quân đội chia đóng ở bốn mặt thành) sau thăng lên chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ.
Sau khi Ngọa Triều bị bệnh nặng và qua đời. lúc ấy, con của Long Đĩnh là hoàng tử Sạ còn quá bé, đất nước lại lâm cảnh khốn khó do nạn tranh giành quyền lực và sự tha hóa của vua Ngọa Triều, quần thần bèn đồng loạt tôn cử Lý Công Uẩn lên ngôi vua với ước mong đất nước sẽ được thái bình, thịnh trị. Vì nghĩa lớn, Lý Công Uẩn mới nhận lời lên ngôi hoàng đế, lập ra triều Lý, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, đại xá cho thiên hạ, ấy là năm 1009.
Lên ngôi báu, vua nhận thấy đất Hoa Lư chật hẹp, bốn bề núi giăng, không xứng là đất định đô của một quốc gia độc lập, càng khó để xây dựng đất nước phồn thịnh, Lý Thái Tổ bèn nghĩ tới việc dời đô. “Xem khắp đất Việt”, thấy chỉ có Đại La là “nơi thắng địa”, “ở trung tâm của trời đất”, “được thế rồng chầu hổ phục, đã thuận hướng nam bắc đông tây, lại tiện nghi núi sông sau trước”, “mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa”, Lý Thái Tổ bèn soạn thiên chiếu dời đô nổi tiếng sử sách để tham vấn ý kiến quần thần. Vua tôi nhất trí đồng lòng, bèn quyết dời đô từ Hoa Lư ra Đại La. Mùa thu tháng 7 năm 1010, đoàn thuyền dời đô của nhà vua cập bến thành Đại La. Ngay lúc ấy, theo truyền thuyết, nhà vua nhìn thấy có hình ảnh rồng vàng bay lên, nhân đó đổi tên thành Đại La thành Thăng Long. Định đô tại Thăng Long, Lý Công Uẩn cho đổi tên cố đô Hoa Lư thành phủ Trường Yên, đổi tên quê hương châu Cổ Pháp thành phủ Thiên Đức, chia cả nước làm 24 lộ, gọi Hoan Châu và Ái Châu là trại
Đất nước ta dưới thời vua Lý Thái Tổ trị vì rất ổn định lấy niên hiệu là Thuận Thiên. Thiên hạ được yên ổn, nhân dân chí thú làm ăn, ngày càng no ấm. Lý Thái Tổ ở ngôi từ năm 1010 đến năm 1028 được 19 năm. Mậu Thìn năm thứ 19 (1028), mùa xuân, tháng 2, vua không khỏe. Tháng 3 ngày Mậu Tuất (mồng 3) vua băng ở điện Long An, thọ 55 tuổi. Linh cữu được táng tại Thọ Lăng. (Đại việt sử ký toàn thư tr 272).
Lễ dâng hương là dịp để các thế hệ con cháu bày tỏ lòng thành kính, tưởng niệm, tri ân tiền nhân, nhằm tôn vinh lòng tự tôn dân tộc. Đây cũng là dịp tuyên truyền giáo dục và nâng cao tinh thần dân tộc tới mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, góp phần tôn vinh truyền thống đạo lý uống nư¬ớc nhớ nguồn, phát huy vai trò lịch sử trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước.