Chương trình “Xuân quê hương 2023”

Chương trình “Xuân quê hương” do Bộ Ngoại giao – Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức hằng năm, là chương trình mang ý nghĩa chính trị – văn hóa quan trọng dành cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Nhân dịp đón năm mới Quý Mão 2023, Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức tại Hà Nội chương trình Xuân Quê hương 2023 với chủ đề “Đất nước niềm tin và khát vọng”. Chương trình gồm nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về nguồn cội: lễ dâng hương, thả cá theo nghi lễ truyền thống, dựng cây nêu… sẽ có sự tham gia của hơn 3000 đại biểu là Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương tới địa phương và đại biểu kiều bào ở các quốc gia trên thế giới về tham dự.

Trong khuôn khổ chương trình Xuân Quê hương 2023, sáng ngày 14/01/2023 tại Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long. Nền Điện Kính Thiên – Cung điện quan trọng bậc nhất, từ thế kỷ thứ XV – XVIII, là nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của các triều đình phong kiến. Lễ dâng hương tại đây đã trở thành truyền thống của Chương trình Xuân Quê hương, là biểu tượng của tình cảm và hướng về cội nguồn dân tộc của người Việt Nam trên khắp thế giới. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đại diện hơn 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài thành kính dâng hương lên bàn thờ đặt bài vị trời đất, anh linh các bậc tiên tổ, tưởng nhớ và tri ân những người đã có công dựng nước và giữ nước trong suốt hàng nghìn năm qua. Đồng thời cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cho đất nước Việt Nam ngày càng phát triển phồn vinh, hùng cường.

Theo Phong tục, hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình. Trong ngày này mọi gia đình thường làm cơm cúng cùng với việc phóng sinh thả cá chép để tiễn đưa Ông táo về trời. Phong tục này bắt nguồn từ những câu truyện cổ được lưu truyền trong dân gian từ đời này qua khác. Tại dòng sông cổ thuộc di chỉ khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, nằm trong khuôn viên Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Chủ tịch nước và Phu nhân cùng với các đại diện người Việt Nam ở nước ngoài tiến hành nghi thức thả cá chép để tiễn đưa Ông táo theo tục lệ cổ truyền của người Việt.

Nhằm gìn giữ và tái hiện các phong tục tập quán nghi thức văn hóa truyền thống của người Việt xưa Trung tâm bảo tồn khu di sản Thăng Long – Hà Nội còn phục dựng và tái hiện nghi thức dựng cây Nêu đón Tết để phục vụ kiều bào chiêm ngưỡng và thưởng lãm. Từ xa xưa, cứ đến chiều 30 tháng Chạp, từ vua quan đến người dân, mọi nhà đều dựng nêu đón Tết. Đối với người dân Việt Nam, hình ảnh cây nêu ngày Tết được coi là biểu tượng văn hóa thiêng liêng xua tà ma, quỷ dữ, ghi dấu ấn chủ quyền, mang đến tài lộc, may mắn, bình an cho mọi nhà.

Nhân dịp này, kiều bào cũng sẽ có dịp tham quan không gian Tết Việt xưa và triển lãm “Cung đình ngày Xuân” tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long đồng thời tìm hiểu về lễ Chính đán – một nghi lễ triều hội thời Lê, tổ chức vào ngày mồng một Tết với nghi thức thiết Đại triều ở điện Kính Thiên xưa.

 “Xuân Quê hương” cũng là thời điểm quan trọng để Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước bày tỏ sự trân trọng, đánh giá tích cực về những đóng góp chân thành, đáng quý của đồng bào ta ở nước ngoài dành cho nhân dân trong nước trong những năm qua. Qua chương trình, bà con kiều bào có cơ hội gìn giữ, duy trì bản sắc, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; đồng thời tạo cơ hội để kiều bào nắm bắt thông tin, tình hình phát triển của đất nước; tăng cường giao lưu, tạo sự gắn bó và đoàn kết trong cộng đồng kiều bào cũng như giữa kiều bào với nhân dân trong nước, góp phần triển khai chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Ban Biên Tập

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button