Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh huyền thoại

Đường Trường Sơn hay đường mòn Hồ Chí Minh là công trình quân sự vĩ đại, là kết tinh của ý chí, nghị lực, tinh thần dũng cảm và sáng tạo phi thường của dân tộc Việt Nam trong cuộc trường kỳ chống Mỹ cứu nước.

“Tuyến lửa” Trường Sơn ra đời trong bối cảnh lịch sử đặc biệt. Tháng 7/1954, Hiệp định Giơ – ne – vơ về kết thúc chiến tranh lập lại hòa bình ở 3 nước Đông Dương được ký kết, nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền qua vĩ tuyến 17, các bên tham gia Hội nghị nhấn mạnh rằng “Dù bất cứ trường hợp nào, không thể coi đó là biên giới chính trị hay lãnh thổ”. Sự chia cắt đó chỉ là tạm thời. Hai miền phải thống nhất trước tháng 7 năm 1956 bằng tổng tuyển cử “tự do và dân chủ”. Quân Pháp phải rút quân khỏi miền Bắc và Việt Minh rút khỏi miền Nam trong thời hạn 300 ngày; người dân có quyền lựa chọn ở miền Bắc hay miền Nam, trong thời gian đó, họ được tự do đi lại. Nghiêm cấm quân đội nước ngoài xâm nhập lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, đại diện Chính phủ Mỹ không ký vào bản Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơnevơ. Mỹ dựa vào đó để ngang nhiên không chấp nhận các điều khoản của Hiệp định và thực hiện âm mưu xâm chiếm miền Nam và chia cắt lâu dài Việt Nam.

Đến năm 1959, chính sách khủng bố của chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam đã đặt các lực lượng cách mạng ở trong Nam và Chính phủ miền Bắc trước một sự lựa chọn khắc nghiệt: hoặc là tiếp tục chịu đựng những cuộc khủng bố đó, trung thành với những gì đã ký kết tại Hội nghị Giơ – ne – vơ, chờ đợi Tổng tuyển cử, hoặc là phải chống trả. Đầu tháng 5/1959, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 họp, quyết định con đường cách mạng miền Nam phải là con đường đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, nhấn mạnh sự chi viện lớn từ hậu phương miền Bắc là yếu tố quan trọng nhất để thực hiện cuộc trường kỳ kháng chiến.

Thời điểm này liên lạc giữa cách mạng hai miền hết sức khó khăn qua tuyến liên lạc duy nhất là miền tây Quảng Trị do Liên khu ủy 5 phụ trách. Tuy nhiên, tuyến đường này không thể đáp ứng được yêu cầu chi viện lớn về nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam trong bối cảnh cuộc kháng chiến ngày càng phát triển. Chính vì thế Bộ Chính trị giao cho Quân uỷ Trung ương nghiên cứu tổ chức một đoàn giao thông quân sự đặc biệt, mở một tuyến giao thông vận tải để đưa cán bộ, vũ khí, thiết bị vật tư y tế, lương thực và những hàng hoá cần thiết vào miền Nam, nhiệm vụ này được xác định “là một việc lớn, có ý nghĩa chiến lược, quan hệ trực tiếp đến sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”. Đoàn 559 do đồng chí Võ Bẩm chỉ huy được thành lập ngày 19/5/1959 được chọn là “đoàn công tác quân sự đặc biệt” triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Khe Hó – nằm giữa một thung lũng ở Tây Nam huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) được lựa chọn là địa điểm xuất phát để mở đường “tiến vào Nam”. Trong thời gian đầu, đường đi hoàn toàn chưa có lối. Phương châm mở đường là “xuyên sơn mà đi, cứ đỉnh núi mà xoi, không được trùng với các lối mòn cũ”. Các cán bộ chiến sĩ với khẩu hiệu “Tìm đường mà đi, mở đường mà đến, đánh giặc mà tiến” và kỷ luật “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” đã thành công vượt Trường Sơn với sông sâu, suối dữ, đèo cao và hệ thống đồn bốt nghiêm ngặt của địch đưa được chuyến hàng đầu tiên bằng phương thức gùi thồ vào tới đồng bào, chiến sĩ Liên khu V ngày 13/8/1959.

Ảnh: Các cán bộ, chiến sĩ vượt núi, băng rừng Trường Sơn tiến vào miền Nam. (Nguồn: Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh)

Năm 1960, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Đường vận tải phía Đông Trường Sơn (Việt Nam) bị địch đánh phá ác liệt. Từ năm 1961, Đoàn 559 đã chuyển hướng mở đường vận chuyển sang phía Tây Trường Sơn (Lào), từ đó phá được thế độc tuyến. Từ đây việc vận chuyển cũng bắt đầu chuyển từ đường gùi cõng hàng, tiến tới mở đường dùng cho phương tiện thô sơ và bước đầu làm đường cho cơ giới hoạt động. Năm 1962 trên những tuyến vận tải này, Đoàn 559 đã đưa vào tới các chiến trường 961 tấn vũ khí, 7.800 tấn gạo, đón và đưa gần một vạn cán bộ vào và ra. Cũng từ năm 1962, phần lớn các thương binh nặng đã được chuyển từ chiến trường miền Nam ra Bắc để điều trị bằng tuyến đường này. Đến cuối năm 1964, đường mòn Hồ Chí Minh đã được xây dựng và nối dài gồm 781 km đường ô tô, hơn 600 km đường giao liên và gùi thồ. Một mạng lưới vận tải từ Đông sang Tây Trường Sơn cũng đã hình thành, với hệ thống ba đường song song: Đường giao liên, đường vận tải gùi thồ và đường vận tải cơ giới.

Từ năm 1968, Bộ đội Trường Sơn bắt đầu xây dựng đường ống xăng dầu từ Nam Đàn (Nghệ An), đến năm 1973, dòng xăng đã bơm tới Bù Gia Mập (Bình Phước). Tính đến năm 1975, trải qua 7 năm xây dựng và phát triển, hệ thống đường ống xăng dầu đã có tổng chiều dài của ống dẫn là hơn 5.000km, bắt đầu từ biên giới Việt – Trung và các cảng biển của miền Bắc đến Nam Bộ. Trên tuyến đường Trường Sơn đã có tới 114 trạm bơm đẩy với công suất bơm 600 – 800m3/ngày và hơn 100 kho xăng dầu, có sức chứa trên 300.000m3. Người Mỹ đã phải thừa nhận đây là “dự án khủng khiếp” trong việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng phục vụ cho chiến đấu của người Việt Nam.

Trong suốt cuộc chiến tranh, đường Hồ Chí Minh luôn trở thành trọng điểm đánh phá quyết liệt của địch bằng đủ các loại vũ khí hiện đại và tối tân nhất. Mỹ – Ngụy đã mở nhiều chiến dịch lớn hòng chặt đứt đường Hồ Chí Minh, triệt tận gốc nguồn tiếp tế của miền Bắc vào miền Nam và sang 2 nước bạn Lào, Campuchia. Trong 10 năm (1961 – 1971) có 80 triệu lít chất độc hóa học với 61% trong đó là chất độc da cam chứa 366kg dioxin được rải xuống trong chiến tranh Việt Nam, gần 4 triệu tấn bom đạn và các loại mìn ném xuống Trường Sơn nhằm phá đường, tiêu diệt các đoàn xe, hủy diệt mọi sự sống đến mức “rừng không còn lá, núi đá thành đất bùn”. Nhưng, cuộc chiến tranh ngăn chặn bằng các loại vũ khí điện tử hiện đại nhất của Mỹ đã bị thất bại trước ý chí chiến đấu kiên cường, sáng tạo của bộ đội Trường Sơn. “Điều làm cho người ta buồn phiền là đường mòn Hồ Chí Minh không thể phá hủy được… Nước Mỹ đã chi tiêu hàng tỷ đô-la để hòng bóp nghẹt đường mòn Hồ Chí Minh. Nó vẫn tồn tại. Nó là con rắn trăm đầu luôn mọc lại. Không phải là những cái đầu mà chính là những cánh tay của con rắn này luôn mọc lại vì không thể bị chặt đứt cùng một lúc” (Trích Báo Lơ Phi-ga-rô đăng bài viết của học giả Giắc-cơ Rơ-ma, ngày 31/12/1971). Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara đã phải chua chát thốt lên “mọi người vẫn thấy một khối lượng lớn người và của vẫn tuôn chảy từ miền Bắc vào miền Nam, thế nhưng không thể làm thế nào ngăn chặn được nó”. Từ năm 1959 – 1975, trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại, các đơn vị đã vận chuyển và tổ chức cho hơn 2 triệu lượt chiến sĩ, cán bộ vào ra, hơn 1 triệu tấn hàng tới chiến trường miền Nam. Những chi viện về sức người, sức của của hậu phương miền Bắc qua tuyến chi viện Trường Sơn đã giúp bộ đội ta “ăn no, đánh thắng”, giành được những chiến công giòn giã trên các chiến trường, tiến tới ngày toàn thắng và thống nhất.

Ảnh: Không quân Mỹ phun thuốc hóa học hủy diệt các cánh rừng Trường Sơn nhằm ngăn chặn bước tiến của bộ đội Trường Sơn. (Nguồn: Bảo tàng LSQS Việt Nam)

Trải qua 16 năm (1959 – 1975), từ những con đường mòn men theo dải Trường Sơn hùng vĩ, tuyến đường không ngừng được mở rộng, vươn xa như một “trận đồ bát quái” phủ kín dãy Trường Sơn, với tổng chiều dài toàn tuyến lên tới 20.000km, xuyên Bắc – Nam và ba nước Đông Dương, vươn tới tất cả các chiến trường, trở thành tuyết huyết mạch cung cấp binh lực, lương thực và vũ khí khí tài từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần đặc biệt quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh – con đường huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ, sau ngày thống nhất, lại mang trong mình sứ mệnh lịch sử mới phục vụ cho thời kỳ hội nhập, phát triển của đất nước. Năm 1997, Đảng và Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu quy hoạch để hình thành trục dọc đường bộ xuyên Việt thứ hai (sau Quốc lộ 1A) ở phía Tây Tổ quốc với tên gọi ban đầu là “Xa lộ Bắc Nam”. Tháng 8/1998, Bộ Chính trị chính thức đổi tên thành Đường Hồ Chí Minh, với tổng chiều dài hơn 3.000km đi qua 30 tỉnh thành, bắt đầu từ Cao Bằng qua các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và kết thúc ở Cà Mau.

Ảnh: Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh hiện đại có màu xanh ngát của lá cây rừng (Nguồn: Bảo tàng LSQS Việt Nam)

Hiện nay, đường Hồ Chí Minh là một công trình có tính chiến lược quan trọng, tạo sự liên thông, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông thông suốt Bắc – Trung – Nam; tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội; góp phần bảo đảm phòng thủ biên giới, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng của đất nước.

Nhóm biên tập Phòng BQTB

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button